top of page

20 năm 'đẽo gọt' cõi mộng trên từng khung tranh

"Chưa Đặt Tên" là triển lãm đánh dấu hành trình 20 năm hoạt động nghệ thuật của Phạm Tuấn Tú, bao gồm những tác phẩm chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hoá hầu đồng.



Triển lãm Chưa Đặt Tên của hoạ sĩ Phạm Tuấn Tú trải dài trong không gian 3 tầng của Hanoi Studio Gallery. 62 tác phẩm đánh dấu chặng đường 20 năm hoạt động nghệ thuật của người nghệ sĩ tài năng. Mạch nước ngầm nuôi dưỡng triển lãm là đời sống cá nhân của hoạ sĩ - người sinh trưởng trong văn hoá đạo Mẫu, quen thuộc với nghi lễ hầu đồng, có bà và mẹ từng là đồng cựu và thanh đồng. Môi trường sinh sống đặc biệt góp phần tạo nên những ký ức tuổi thơ khó quên, ảnh hưởng sâu sắc đến quá trình thực hành nghệ thuật của họa sĩ.



Điểm nổi bật nhất trong bộ tác phẩm này là sự hòa quyện giữa tranh và khung. Hai phần không tách rời mà hòa quyện thành một, khiến người xem phải đặt câu hỏi: “Tranh có trước hay khung có trước?”. Những chiếc khung được Phạm Tuấn Tú tạo dựng từ cửa gỗ, bàn ghế gỗ cũ lưu dấu thời gian, đem đến sức sống mới cho những vật thể bị lãng quên.



Chi tiết chạm trổ kỳ công của nghệ thuật điêu khắc đình làng cổ từ thời ông cha được người nghệ sĩ tiếp tục kế thừa và phát huy. Phần khung tranh được xử lý tỉ mỉ, tinh xảo, trở thành một phần không thể tách rời của tác phẩm, phản ánh quá trình lao động nghệ thuật miệt mài, gian nan. Ngoài ra, Phạm Tuấn Tú còn kết hợp hơi thở đương đại với nghệ thuật truyền thống, tạo thành một sợi dây kết nối giữa xưa và nay, giữa truyền thống và hiện đại.



Ta thường nhìn vào sản phẩm nghệ thuật khi nó hoàn thành. Nhưng sáng tạo nghệ thuật là cả một quá trình dài của kiếm tìm trong và ngoài bản thân nghệ sĩ. Một phần trong tiến trình thực hành nghệ thuật của Phạm Tuấn Tú là tìm một chất liệu đủ sức chuyển tải câu chuyện của anh. Đó là một hành trình và không dễ để đưa trọn vẹn lên mặt phẳng hội hoạ. Từ sơn dầu, giấy dó đến câu chuyện sưu tập đồ cũ, gỗ cũ”, đại diện Hanoi Studio Gallery chia sẻ.



Tranh của Phạm Tuấn Tú tái hiện ranh giới mong manh giữa sống và chết, người và vật, nam và nữ. Những chủ thể xuất hiện trong tác phẩm của anh đều ở trạng thái giao thoa, “tranh tối tranh sáng”. Trong các bức họa của người nghệ sĩ đến từ Thái Bình, bông hoa, cỏ cây, con vật hay con người đều có sự sống riêng, đều mang những nỗi đau cắt cứa.



Chủ thể phi giới tính, mang vỏ bọc vi nam vi nữ xuất hiện trong tranh Phạm Tuấn Tú là những hình tượng lấy cảm hứng từ văn hoá hầu đồng. Khi thực hiện nghi lễ hầu đầu, diễn xướng, thanh đồng có hoán đổi giới tính để hóa thân vào nhiều vai diễn khác nhau. Nét đẹp văn hóa Việt Nam chính là giá trị vượt ra ngoài bề mặt vật chất của tác phẩm, để lại trong lòng người xem những dư vị vương vấn.



Các tác phẩm của Phạm Tuấn Tú cũng phản ánh sự va chạm của thế giới nội tâm người nghệ sĩ với xã hội bên ngoài. Những bức tranh trong triển lãm Chưa Đặt Tên vì thế mang tính chất đối thoại, mở ra cuộc trò chuyện giữa họa sĩ với tác phẩm, giữa tác phẩm với khán giả, giữa khán giả với chính mình. Khả năng khơi mở những cuộc độc thoại, đối thoại chính là chìa khóa giúp các công trình nghệ thuật duy trì đời sống trong thời gian dài.



Đúng như tên gọi, các bức họa trong buổi triển lãm đều chỉ được đánh số, không có tên riêng. Thậm chí, tên triển lãm cũng được họa sĩ đặt một cách ngẫu hứng, đúng với phong cách làm nghề của anh.



Triển lãm Chưa Đặt Tên diễn ra từ ngày 13/01 - 02/02 tại Hanoi Studio Gallery (quận Ba Đình, Hà Nội). Với không gian trưng bày 3 tầng, mỗi tầng đem đến cho khán giả những cảm xúc, gợi mở những liên tưởng khác nhau.

Linh Vũ và Thụy Trang

bottom of page