top of page

Họa sỹ Nguyễn Thế Hùng – 10 năm đi từ Miền Lạc Du


Hanoi Grapevine thuật lại nội dung buổi trò chuyện giữa họa sỹ Nguyễn Thế Hùng, giám tuyển Dương Thu Hằng từ Hanoi Studio và nghệ sỹ đương đại tiêu biểu của Việt Nam, anh Trương Tân nhân dịp Miền Lạc Du – triển lãm solo của họa sỹ Nguyễn Thế Hùng diễn ra tại Hanoi Studio (13 Tràng Tiền) từ ngày 9 đến 23 tháng 11. Triển lãm đánh dấu bước chuyển tiếp theo trong sự nghiệp 10 năm của họa sỹ. Cuộc trò chuyện được dẫn dắt và ghi chép bởi nhà báo Trương Uyên Ly.

Ghi chép bởi Uyên Ly cho Hanoi Grapevine và Hanoi Studio. Không sao chép, đăng tải lại nếu không có sự đồng thuận của các bên.



Phần 1: “Lạc lối” trong sáng tạo


Xin bắt đầu với tác phẩm sắp đặt Những ngày dài gồm hơn 8000 bật lửa ga bày gần cửa ra vào studio. Có những vị khách trẻ bước vào nhìn thấy tác phẩm và thốt lên “Ối giời”, một phản ứng rất tự nhiên và tức thời trước sự hiện diện mạnh mẽ của tác phẩm. Nguồn cơn của tác phẩm là thế nào thưa họa sỹ?


Nguyễn Thế Hùng: Ý tưởng của mình xuất phát từ những quán trà vỉa hè với những chiếc bật lửa. Đó là một thứ hết sức đời sống được đặt trên mặt bàn, được gắn vào ống nước hoặc đúc bằng xi măng. Nó trông rất đẹp, như là một sản phẩm thiết kế riêng của quán trà đá vậy. Năm 2007 mình thử làm ở nhà. Sau đó dừng lại. Đến năm 2010 mình thử làm lại nhưng ở hình thức khác, trên bật lửa dán những câu ca dao tục ngữ trữ tình về đời sống dân gian. Nó như một cách so sánh giữa những câu ca dao còn nguyên giá trị hay đã mất đi với những chiếc bật lửa hết ga – chúng còn được giữ lại hay không là phụ thuộc vào thái độ của mọi người.


ULY: Tôi cũng thích ý nghĩa nhắc nhở của tác phẩm, trong khi tác phẩm ở kia, rất thực thể và hữu hình, thì nó lưu ý ta về cái vô hình, nó đặt câu hỏi về việc ta còn giữ được nó không, bao lâu, như thế nào.


Thưa anh Trương Tân: Vào thời điểm 2010 trở về trước, các nghệ sỹ VN làm sắp đặt khá sôi nổi? Anh có thể mô tả bối cảnh thời đó?.


Nghệ sỹ Trương Tân: Từ khoảng 1996, thì tôi làm những sắp đặt đầu tiên. Lúc trước tôi làm tác phẩm gần như chỉ có một mình cô đơn lắm. Năm 2000 tôi trở về nước, lúc đó có nhiều các nghệ sỹ đương đại tập trung ở Nhà Sàn anh Đức. Tôi rất vui vì có nhiều nghệ sỹ tham gia và có nhà tài trợ để làm tác phẩm sắp đặt. Ở ta thì không có quá trình nghệ sỹ làm sắp đặt hay trình diễn và trong trường không có dạy ngôn ngữ mới này. Nghệ sỹ làm cái này thì khó bán được tiền. Hồi đấy các gallery không dám làm và chỉ tập trung vào bán tranh. Lúc đó thì tôi già dặn hơn, làm nhiều tác phẩm hơn, được đi nhiều hơn. Và có nhiều bạn trẻ đến tình nguyện làm việc để được học và truyền kinh nghiệm. Ví dụ như Hùng. Tôi biết Hùng từ 2003 triển lãm ở viện Goethe.


ULY: Và việc làm trình diễn hay sắp đặt hỗ trợ cho làm tranh thế nào?


Họa sỹ Nguyễn Thế Hùng: Với tôi, làm sắp đặt, trình diễn hay bất kỳ công việc nào mình thích, thì đều bổ trợ cho nhau cả. Ngoài những kỹ năng hội họa mình học trong trường, thì sắp đặt trình diễn đem lại nhiều cảm xúc khác nhau và nhiều đường dẫn dắt để chuyển tải ý tưởng, giúp mình không bị cạn ý khi làm hội họa.


ULY: Vì sao Hanoi Studio quyết định trưng bày tác phẩm sắp đặt của Hùng, trong khi nhìn chung, như anh Trương Tân đã nêu, rất ít gallery chấp nhận sắp đặt vì khó bán?


Chị Dương Thu Hằng: Việc đem sắp đặt trình diễn đến công chúng còn có một khoảng cách dài. Bảo tàng của chúng ta cũng chưa mua. Các bộ sưu tập tư nhân cũng rất ít có. Các nghệ sỹ phải xin tiền tài trợ để thực hiện dự án của mình, cái đó là phi lợi nhuận, và gần như các nghệ sỹ trình diễn là để cho nhau xem, sự chia sẻ với công chúng là chưa có. Và để đến với công chúng thì cần sự chia sẻ, diễn giải. Và nếu Hanoi Studio có tổ chức một sự kiện trình diễn, thì cần có những art talk như hôm nay để nghệ sỹ và công chúng hiểu nhau. Còn giữa Hanoi StudioNguyễn Thế Hùng thì đây là câu chuyện cộng tác nhiều năm. Khi Hùng chia sẻ ý tưởng thì tôi ủng hộ, vì nó rất thú vị. Chúng tôi cố gắng chuyển tải thông điệp của tác phẩm đến cho công chúng.


Quả thật càng ngày tôi càng hiểu công việc của một gallery, đến giai đoạn này tôi mới hiểu gallery cần mang nhiều tính cống hiến, diễn giải hướng đến cộng đồng hơn. Vì ngay cả ở giai đoạn này, khi xem tranh của anh Trương Tân, một tác giả đương đại hàng đầu thì vẫn cần giải thích cho công chúng. Và với những bức tranh nhiều cung bậc màu sắc thị giác như của Nguyễn Thế Hùng, thì chúng tôi vẫn phải “giải thích” cho công chúng theo hiểu biết hạn hẹp của chúng tôi.


U.LY: Bây giờ chúng ta đi tiếp vào những bức tranh được bao bọc bởi những màu sắc, không khí rất lãng mạn của Miền Lạc Du. Ý tưởng của bộ tranh là gì?


Nguyễn Thế Hùng: Ý tưởng ban đầu của bộ tranh là tôi muốn làm một series tranh về khu vườn. Mới đầu cũng vẽ như các series khác trước đây. Rồi đi được 50% thì thấy không ổn, muốn thay đổi không gian này đi. Có một khoảng thời gian 10 ngày tôi không làm gì cả. Tôi muốn xem mình sẽ làm gì tiếp với nó.

Nền tranh ở bước 1
Nền tranh ở bước 1

Đưa hình vào ở bước 2
Đưa hình vào ở bước 2

Sau bước 2 họa sỹ dừng lại, không làm gì nữa, vì thấy muốn thay đổi không gian trong tranh.


Bước ba – sau khi đã thay đổi – rất khác so với khởi điểm từ bước 1. Tên tranh là Sương Đêm.


Nguyễn Thế Hùng, Sương Đêm, 2018, chất liệu tổng hợp trên toan, 128 x 98 cm
Nguyễn Thế Hùng, Sương Đêm, 2018, chất liệu tổng hợp trên toan, 128 x 98 cm

Trương Tân: Đợt này tôi thấy tranh Hùng tốt hơn trước rất nhiều. Tôi thấy kỹ thuật mới, khác đi. Và việc Hùng làm khác đi chắc là vì ban đầu nó quá giống những loạt trước. Bây giờ thì không còn giống nữa.


Dương Thu Hằng: Hanoi Studio có cơ may là được làm việc với nhiều nghệ sỹ trong 20 năm vừa rồi, thì khi một người nghệ sỹ làm một tác phẩm thôi, chưa nói đến bộ tác phẩm, có thể rất gian truân và mất nhiều năm. Bức tranh có thể bắt đầu từ một ý tưởng hoàn toàn khác và kết thúc với một ý tưởng khác. Kết thúc sẽ không như dự định ban đầu và đó là hoàn toàn dễ hiểu. Ngay cả với những bậc thầy dù đã định sẵn tác phẩm, thì khi kết thúc hoàn toàn có thể thay đổi. Chúng tôi không ngạc nhiên nhưng rất vui vì được đồng hành trong các giai đoạn của Hùng, cứ sau mỗi một giai đoạn mình lại “Wow, gần được rồi!”, và sau đó Hùng lại thay đổi, và mình lại “Wow, lại gần được rồi”.


Hôm nay chúng tôi muốn chia sẻ với khán giả về công việc của nghệ sỹ để nói rằng cái kết thúc không giống với cái bắt đầu, vì thế ban đầu bộ tranh này của nghệ sỹ là từ một khu vườn, nhưng rồi nghệ sỹ bị lạc trên một con đường. Thoạt tiên cứ nghĩ là đường thẳng, thế rồi lại thấy mình cứ đi loanh quanh. Giống như cha đẻ của tiểu thuyết, không biết cho nhân vật của mình chết hay sống, thì với các bức tranh, kết thúc cũng có thể làm chính tác giả bất ngờ. (Giám tuyển Dương Thu Hằng)


U.LY: chị Hằng và họa sỹ Hùng vui lòng làm rõ thêm sự khác biệt giữa các series trước và loạt tranh Miền Lạc Du lần này.


Dương Thu Hằng: Ban đầu tôi cứ lý giải vì sao Hùng muốn tạo nên không gian này, thì có lẽ do Hùng chuyển đến một khu vườn rất đẹp, và việc chăm cây, việc ở trong một không gian mới có ảnh hưởng đến Hùng. Họa sỹ bắt đầu bằng một cảm giác trừu tượng, rồi đưa hình vào cái mênh mông của cảm giác trừu tượng, sau đó là ý tưởng đưa bông hoa sa la vào như một yếu tố của tâm linh, của tôn giáo, để dẫn dắt. Tất cả những việc ấy đâm ra lại trở thành cực nhọc cho tác giả, làm sao để kết hợp các yếu tố khác nhau trong một bộ tác phẩm, tất cả những mấy chục bức, làm sao mỗi bức tạo nên một không khí cho người ta không bị chán.


ULY: Thưa anh Trương Tân và Hùng, là họa sỹ đã vững nghề, có cách nào mình có thể tạo ra một tác phẩm “luôn luôn đẹp”, của lý trí, của sự kiểm soát từ điểm bắt đầu đến khi kết thúc? Ý tôi là khi mình đã biết thế nào là đẹp, mình có sự làm chủ hoàn toàn để tạo ra cái đẹp ấy?


Nguyễn Thế Hùng: Bộ Vùng Nhiều Mây (series tranh năm 2017 của họa sỹ), tôi làm phác thảo sau đó thể hiện. Còn bộ này thì tôi chỉ làm phác thảo nét và sau đó tôi bị dẫn dắt bởi bông hoa trong tranh và không khí trong đó. Cuối cùng thì nó vẫn dẫn đến khu vườn, nhưng ban đầu mình định đi “đường nhựa”, nhưng rồi hóa ra mình đi đường đất, đi đường vòng, và rồi cuối cùng nó vẫn đến nơi, nhưng không phải như đã định ban đầu…Và khi tôi thấy đủ thì dừng lại, nó là bản năng nghệ thuật.


Trương Tân: Làm nghệ sỹ đôi khi bị lẫn vào “đối tượng sáng tạo”. Tôi đã từng làm rồi, tôi biết. Tôi đã từng làm một khu vườn, tôi trang trí lung tung cả khu vườn, tôi bị lẫn vào trong đó. Nghệ sỹ muốn thay đổi mình thì phải thay đổi môi trường sống một chút. Chị Hằng nói đúng. Thay đổi một cảnh quan mới, làm cho tác phẩm thay đổi, giúp cho nghệ sỹ trở nên phong phú, nhiều cách làm hơn, nhiều cách hiểu biết mình hơn. Như tôi được đi xa, tôi hiểu mình hơn. Chúng ta có hàng tỉ con đường đi, gò bó nhất là mình không đủ tay chân để làm.



Phần 2: Nhìn lại những dấu mốc


Uyên Ly: Bây giờ để làm rõ thêm một chút về nghệ sỹ thời điểm trước kia, để xem họa sỹ Nguyễn Thế Hùng đã đi từ đâu đến, ta cùng đi ngược về 10 năm qua.


Nguyễn Thế Hùng: Trước Miền Lạc du là bộ tranh Vùng Nhiều Mây (năm 2017), cũng được triển lãm ở Hanoi Studio.

Phăng Teo (serie Vùng Nhiều Mây), sơn mài trên toan, 148 x 148cm
Phăng Teo (serie Vùng Nhiều Mây), sơn mài trên toan, 148 x 148cm
Vùng Đất Khác 01 (serie Vùng Nhiều Mây), sơn mài trên toan, 89 x 158 cm
Vùng Đất Khác 01 (serie Vùng Nhiều Mây), sơn mài trên toan, 89 x 158 cm
Áng Mây Ngủ (serie Vùng Nhiều Mây), sơn mài trên toan, 89 x 158 cm
Áng Mây Ngủ (serie Vùng Nhiều Mây), sơn mài trên toan, 89 x 158 cm

ULy: Chị Dương Thu Hằng khi làm việc với Hùng Vùng Nhiều Mây khác so với Miền Lạc Du như thế nào?


Dương Thu Hằng: Hai bộ khác hẳn nhau. Ở bộ tranh trước, Hùng là người chỉn chu trong phác thảo, chuẩn bị nguyên vật liệu rất kỹ lưỡng, thế nên từ bố cục, mảng miếng rồi ý thức về không gian, sự đồng hiện, phần chìm phần nổi của khối hình đều có toan tính hết. Còn ở bộ tranh Miền Lạc Du thì thực ra ban đầu tôi thấy Hùng vẫn muốn đi lại câu chuyện như vậy ở một đề tài khác, nhưng rồi nó không hẳn đúng cho đề tài, cho chất liệu, cho cảm xúc mình đã định. Thế nên vô tình mà lại rất có duyên nó kéo Hùng đi, nó nhiều cảm xúc hơn, ít lý trí hơn, nhưng nó lại là cái được, lý trí chỉ can thiệp khi mà cần có một điểm nhấn.


Trương Tân: Tôi phải nói thêm rằng vẽ lý trí hay vẽ bản năng như thế này đều thành công cả, khó có thể nói cái này tốt hơn cái kia. Hôm nay tôi thế này, mai tôi khác, đều là mình cả.


ULY: Bây giờ ta đi tiếp nhé, tiếp tục ngược về quá khứ. Tôi rất thích những cái chấm trong các bức tranh của họa sỹ.


Nghệ sỹ Trương Tân: Tôi cũng rất thích những cái chấm này, rất cầu kỳ rất tinh tế. Cũng có một họa sỹ Việt kiều, cũng vẽ những cái chấm và nói đó là những con bọ di cư và lan tỏa ra cả vùng bản đồ. Nhìn bề ngoài những cái chấm có vẻ giống nhưng thực ra không giống, nên đừng lo là có chuyện giống người này người kia.


ULY: Ý tưởng đằng sau những cái chấm này là gì thưa họa sỹ Nguyễn Thế Hùng?


Nguyễn Thế Hùng: Những cái chấm này là câu chuyện gieo hạt. Trong cái hạt thì có hạt giống tốt hạt giống xấu, tùy nó thôi.

Bóng Và Mây (serie Vùng Nhiều Mây), sơn mài trên toan, 100 x 100 cm
Bóng Và Mây (serie Vùng Nhiều Mây), sơn mài trên toan, 100 x 100 cm

Nguyễn Thế Hùng: Có một số loạt trước nữa, như loạt tranh Đa Diện trưng bày ở L’espace đầu năm 2016. Bộ tranh này kéo dài từ 2010-2011 đến 2016. Đó là một quá trình tìm tòi, từ kỹ thuật cắt dán, giấy bồi, nhiều chấm, sau đó đến Vùng Nhiều Mây là sự chuyển thể chất liệu mới – sơn mài trên vải.

Bức Mây / Mưa (serie Đa Diện), acrylic, vàng lá, màu nước trên giấy dó bồi trên toan, 194 x 128 cm
Bức Mây / Mưa (serie Đa Diện), acrylic, vàng lá, màu nước trên giấy dó bồi trên toan, 194 x 128 cm
 Ngày Rỗi 02 ( serie Đa Diện), acrylic và màu nước trên giấy dó, 128 x 98 cm
Ngày Rỗi 02 ( serie Đa Diện), acrylic và màu nước trên giấy dó, 128 x 98 cm
 Ngày Rỗi 05 ( serie Đa Diện), acrylic và màu nước trên giấy dó, 128 x 98 cm
Ngày Rỗi 05 ( serie Đa Diện), acrylic và màu nước trên giấy dó, 128 x 98 cm

Trương Tân: Xem tranh đôi khi mình thắc mắc. Mình hiểu về gieo hạt rồi, thế còn có những cái loa ở bức tranh này, Hùng có thể giải thích về cái loa?


Nguyễn Thế Hùng: (Im lặng)


Dương Thu Hằng: Tôi thì nghĩ đấy là sự tinh nghịch của tác giả, và đấy là yếu tố thú vị. Những người trẻ thường có xu hướng thích sử dụng các yếu tố pop, những tín hiệu, những ký hiệu của đời sống như loa phường chẳng hạn, thì trong khoảnh khắc đó tự nhiên họa sỹ đặt cái loa vào tranh.


Nguyễn Thế Hùng: Vâng, chắc là nghe ngóng loa ở đâu đó.


Trương Tân: Đôi khi mình vô tình, đôi khi mình bắt chước. Như với tôi, có những tranh người ta hỏi tôi và tôi không thể trả lời được, 10 năm sau tôi mới hiểu tại sao tôi làm thế.


ULY: Còn đây là loạt tác phẩm Những ngày dài, triển lãm solo đầu tiên của họa sỹ ở Tadioto (năm 2010). Lúc đó là lần đầu tiên tôi được biết đến Nguyễn Thế Hùng, và lập tức ghi nhớ sự riêng biệt trong không khí thư thái, màu sắc nền nã (màu nước với mực nho) và chất liệu giấy dó của anh trong khi nhiều nghệ sỹ trẻ lúc đó làm pop art. Những chiếc bật lửa sắp đặt lúc đó dù ý nghĩa và tên gọi tương tự nhưng hình thức khác hẳn với bây giờ.

Không gian triển lãm tại Tadioto năm 2010
Không gian triển lãm tại Tadioto năm 2010

Dương Thu Hằng: Họa sỹ đúng là có cái đầu thông minh. Trong quá trình làm việc với họa sỹ trẻ, tôi gặp nhiều bạn không biết vẽ gì, không biết sáng tác cái gì, còn Hùng thì luôn có ý tưởng. Hùng không chỉ vẽ hay làm sắp đặt mà còn giúp các nghệ sỹ khác, làm cả sân khấu, suýt nữa đi học ngành sân khấu… Họa sỹ có cách tư duy và cách đặt vấn đề rất văn minh, nhiều lớp, có logic, bài bản. Và không có bộ tranh nào là không logic bài bản sắp xếp. Chỉ có bộ tranh Miền Lạc du là họa sỹ để không gian trong tranh kéo mình đi, và đó là cái được. Không phải lúc nào ta cũng kiểm soát được tình hình, cũng có lúc phải “buông”.


ULY: Đã qua 10 năm kể từ ngày tốt nghiệp, họa sỹ đúc kết những gì về phương pháp làm việc?


Nguyễn Thế Hùng: Về phương pháp làm việc, đầu tiên là mình lên ý tưởng và kế hoạch từ phác thảo nét cho đến điểm nhấn chính trong bức tranh. Về kế hoạch mình có áng chừng thời gian nhất định. Và khi bắt đầu bộ tranh mới mình thường chuẩn bị vật liệu rất nghiêm chỉnh và đầy đủ, tất cả mọi việc sẵn sàng.


ULY: Ban đầu khi lên kế hoạch thì họa sỹ có định sẵn mình sẽ vẽ bao nhiêu bức và có câu chuyện cho từng bức không?


Nguyễn Thế Hùng: Mình cũng có ước định là ví dụ khoảng 25 bức đổ lại, nhưng cũng có thể là không đạt được như thế. Sau khi lên ý tưởng và thực hiện, ví dụ khoảng 50% công việc, thì mình sẽ nhìn lại để xem câu chuyện cho từng bức tranh. Khi đi 50% thì mình mới xem câu chuyện là gì và giữa bức tranh và tác giả. Tác giả và bức tranh là một mà hai, hai mà một, là bởi vì bức tranh có câu chuyện riêng của nó. Thì sau giai đoạn này tranh có câu chuyện riêng của nó rồi.


ULY: Vì sao họa sỹ để mình bị kéo đi trong loạt tranh Miền Lạc du?


Vì mình muốn thay đổi không gian trong bức tranh, thực ra mình bị kéo đi nhưng mình kiểm soát được, giống như mình đang quan sát cái chuyển động kéo đi đấy. Mình tự tin là mình biết dừng chỗ nào.


Mình thích thay đổi không gian trong tranh, và giữa các sê-ri tranh với nhau. Từ 2010 trở về đây mỗi bộ tranh có một không gian khác nhau, và phải làm được cái khác, làm cho mình thích thì thôi, chứ không phải là thích mà làm không được rồi lại bỏ cuộc giữa chừng.


ULY: Còn đúc kết của nghệ sỹ?


Dương Thu Hằng: Với nghệ sỹ là con đường gian nan, cân bằng giữa đời sống và nghệ thuật không đơn giản. Đối với người trẻ, các bạn có thể suy nghĩ tìm cho mình hướng đi. Không ngại giao lưu, không ngại mở tất cả cánh cửa. Có thể đi tham gia rất nhiều nhóm nghệ sỹ, làm nghệ thuật ý tưởng, sắp đặt, có tố chất phá vỡ, chính vì từ các tác phẩm tương tác cao, đồng thời phá vỡ bản thân, nó làm cho mình có ý tưởng mới, cách làm mới, cách tư duy khác, cách tiếp cận đề bài, chất liệu, cách tư duy đa chiều. Bên cạnh đó là sự bền bỉ, kiên định, chăm chỉ. Yêu công việc của mình. Và đấy là phẩm chất hiển nhiên cần có của người làm nghệ thuật.


Nguyễn Thế Hùng: Mình đi qua 10 năm thì biết vật lộn là như thế nào. Càng đi thì con đường càng sáng, càng rộng ra và bớt chông gai hơn, càng đi càng nhiều ngã rẽ, rẽ ngã nào cũng được, chứ nếu mình cứ bị sợ… thì sẽ không đi được.


ULY: Cảm ơn họa sỹ Nguyễn Thế Hùng, cảm ơn chị Dương Thu Hằng và anh Trương Tân rất nhiều.


Nguồn: Hanoi Grapevine

bottom of page